Quý bạn đọc thân mến!
Hải Dương là một trong những địa phương mạnh về du lịch di sản, văn hóa. Nơi đây có rất nhiều điểm đến mang dấu ấn lịch sử và nét đặc trưng của miền quê Bắc Bộ. Trong đó, thành phố Hải Dương chính là một trong những điểm đến hấp dẫn bởi nhiều nghề truyền thống lâu đời và những giá trị, tinh hoa của làng nghề còn được lưu giữ đến ngày nay. Cuốn sách “ Địa chí Thành phố Hải Dương” của Nhà xuất bản Chính trị Quốc Gia do Thành Uỷ Hải Dương biên soạn giới thiệu những nét đặc sắc, tiêu biểu nhất của vùng đất nơi đây sẽ mang đến cho bạn đọc những thông tin vô cùng lí thú. Khám phá TP Hải Dương và ghé thăm các làng nghề nơi đây, các bạn sẽ có cơ hội khám phá những nét đẹp văn hóa làng nghề cổ nhất xứ Đông.
- Làng nghề mộc Đức Minh
Làng Đức Minh xưa, nay là khu dân cư số 5 phường Thanh Bình, TP Hải Dương. Khoảng năm 1925, cụ Phạm Văn Móng là thợ mộc lành nghề ở Nam Định, ra làm thuê ở xóm Nhội, kết hôn với cụ bà định cư ở làng Đức Minh và truyền nghề mộc cho bà con trong làng. Thợ mộc Đức Minh tập trung chủ yếu vào sản phẩm gia dụng. Trước đây, đồ gỗ Đức Minh chủ yếu sản xuất bằng công cụ truyền thống, những năm gần đây thợ mộc sử dụng nhiều loại máy móc, thiết bị cơ giới như cưa vòng, cưa đĩa, máy bào liên hợp, máy bào tay, máy khoan, máy đánh bóng,…nên giúp tăng năng suất lao động và hạ giá thành sản phẩm. Hiện nay, làng có trên 160 hộ làm nghề mộc, doanh thu gần trăm tỷ đồng trong năm. Năm 2004 làng nghề mộc Đức Minh đã được UBND tỉnh cấp bằng công nhận là làng nghề tiểu thủ công nghiệp.
2. Làng nghề mộc Nguyễn Xá
Thôn Nguyễn Xá thuộc phường Thạch Khôi, có nghề mộc truyền thống. Từ lâu các nghệ nhân Hoàng Văn Xài, Nguyễn Đình Cúc, Nguyễn Văn Kẻ đã được tôn vinh là những nghệ nhân giỏi của làng. Những năm 1980-1990 là giai đoạn phát triển thịnh vượng nhất của làng. Nghề mộc đã thu hút được hàng trăm lao động, trong số 255 hộ gia đình thì có 106 hộ làm nghề mộc. Năm 2006, làng nghề Nguyễn Xá được UBND tỉnh công nhận là làng nghề thủ công nghiệp.
3. Làng nghề sản xuất bánh đa Lộ Cương
Làng Lộ Cương nay thuộc phường Tứ Minh, TP Hải Dương, trước đây là làng thuần nông. Hiện nay có khoảng 230 hộ gia đình sản xuất bánh đa, mỗi ngày sản lượng đạt 35-45 tấn. Doanh thu hàng năm khoảng 100 tỷ đồng. Năm 2006, làng nghề bánh đa Lộ Cương được UBND tỉnh công nhận là làng nghề tiểu thủ công nghiệp.
Ngoài ra, các làng nghề thủ công truyền thống như sản xuất bánh đậu xanh Nguyên Hương, Hoà An, Hương Nguyên,… sản xuất bánh gai, nghề làm cốm làng Thạc,… đã trở thành những nét đặc trưng của mảnh đất Hải Dương, mà mỗi người con khi xa quê hương luôn nhớ hương vị của từng cái bánh quê nhà.
Các bạn học sinh thân mến!
Làng nghề truyền thống có vai trò hết sức to lớn trong đời sống vật chất, văn hoá tinh thần của nhân dân nhất là ở khu vực nông thôn, mang tính tập tục truyền thống, bản sắc văn hoá dân tộc vùng miền của một địa phương, một dân tộc. Cùng với sự phát triển của xã hội, làng nghề ngày nay không chỉ tạo công ăn việc làm, mang lại thu nhập mang đặc trưng cơ bản trong truyền thống kinh tế, mà còn thu hút nhiều du khách tới thăm quan, học hỏi.
Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc những làng nghề truyền thống của thành phố Hải Dương thông qua cuốn sách vô cùng thú vị này nhé.
Làng nghề mộc Đức Minh
Làng nghề sản xuất bánh đa Lộ Cương
Làng nghề sản xuất bánh đậu xanh