Quý bạn đọc thân mến!
Chúng ta đã từng nghe tới câu thơ:
“ Tháp Mười đẹp nhất bông sen
Việt Nam đẹp nhất có tên Bác Hồ”
Đúng vậy! Bác Hồ - vị cha già muôn vàn kính yêu của dân tộc Việt Nam. Người đã đi xa nhưng hình ảnh của Người, tâm hồn, tình cảm bao la của Người vẫn luôn sống mãi trong tâm hồn muôn thế hệ người dân Việt Nam. Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu - Vị lãnh tụ thiên tài của giai cấp công nhân và nhân dân Việt Nam; người anh hùng kiệt xuất trong lịch sử đấu tranh của dân tộc. Công lao to lớn và sự nghiệp vĩ đại của Người gắn liền với lịch sử dân tộc, lịch sử quang vinh của Đảng ta, với những trang sử oanh liệt nhất trong cuộc đấu tranh chống giặc ngoại xâm của nhân dân ta.
Hướng tới kỷ niệm ngày Bác Hồ gửi bức thư cuối cùng cho ngành Giáo dục 15-10, với tình cảm kính yêu sâu sắc với Bác Hồ, hôm nay thư viện xin giới thiệu tới độc giả toàn trường cuốn sách “ Kể chuyện đạo đức Bác Hồ” gồm tập hợp những bài viết theo lời kể của một số cán bộ và quần chúng nhân dân đã từng may mắn, hạnh phúc được sống gần Bác, được học tập và trưởng thành, được Bác chỉ bảo và dạy dỗ.
Cuốn sách có bìa màu vàng tươi sáng, có in hình ảnh Bác Hồ với nụ cười rạng rỡ. Nổi bật trên trang bìa là dòng chữ màu đỏ sinh động. Cuốn sách do nhà xuất bản Đại học Sư phạm xuất bản. Bằng những lời kể mộc mạc, trung thực, qua những mẩu chuyện rất đời thường, cuốn sách giúp chúng ta hiểu rõ hơn về cuộc đời rất bình dị mà vô cùng vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Những chỉ bảo ân cần, sự dìu dắt của những bài học mà Người để lại là hành trang cho mỗi chúng ta nhất là thế hệ trẻ vững bước đến tương lai, thực hiện tốt mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh như Bác Hồ kính yêu của chúng ta hằng mong mỏi.
Xin trân trọng giới thiệu tới bạn đọc toàn trường cuốn sách này tại số SDD-00044-00050.
Sau đây, thư viện xin giới thiệu một câu chuyện trong cuốn sách này. Câu chuyện mang tên “ THỜI GIAN QUÝ BÁU LẮM”
Năm 1945, mở đầu bài nói chuyện tại lễ tốt nghiệp khóa V Trường huấn luyện cán bộ Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh thẳng thắn góp ý: “Trong giấy mời tới đây nói 8 giờ bắt đầu, bây giờ là 8 giờ 10 phút rồi mà nhiều người vẫn chưa đến. Tôi khuyên anh em phải làm việc cho đúng giờ, vì thời gian quý báu lắm”. Cũng về giờ giấc, trong kháng chiến chống Pháp, một đồng chí sĩ quan cấp tướng đến làm việc với Bác chậm 15 phút, tất nhiên là có lý do: Mưa to, suối lũ, ngựa không qua được. Bác bảo:
- Chú làm tướng mà chậm đi mất 15 phút thì bộ đội của chú sẽ hiệp đồng sai bao nhiêu? Hôm nay chú đã chủ quan không chuẩn bị đủ phương án, nên chú không giành được chủ động”.
Một lần khác, Bác và đồng bào phải đợi một đồng chí cán bộ đến để bắt đầu cuộc họp.
Bác hỏi:
- Chú đến muộn mấy phút?
- Thưa Bác, chậm mất 10 phút ạ!
- Chú tính thế không đúng, 10 phút của chú phải nhân với 500 người đợi ở đây.
Năm 1953, Bác quyết định đến thăm lớp chỉnh huấn của anh em trí thức, lúc đó đang bước vào cuộc đấu tranh tư tưởng gay go. Sắp đến giờ lên đường bỗng trời đổ mưa xối xả. Các đồng chí làm việc bên cạnh Bác đề nghị cho hoãn đến một buổi khác. Có đồng chí còn đề nghị tập trung lớp học ở một địa điểm gần nơi ở của Bác… Nhưng Bác không đồng ý:
- Đã hẹn thì phải đến, đến cho đúng giờ, đợi trời tạnh thì đến bao giờ? Thà chỉ mình Bác và vài chú nữa chịu ướt còn hơn để cả lớp phải chờ uổng công!.
Thế là Bác lên đường đến thăm lớp chỉnh huấn đúng lịch trình trong tiếng reo hò sung sướng của các học viên … Bác Hồ của chúng ta quý thời gian của mình bao nhiêu thì cũng quý thời gian của người khác bấy nhiêu. Chính vì vậy, trong suốt cuộc đời Bác không để bất cứ ai đợi mình. Sự quý trọng thời gian của Bác thực sự là tấm gương sáng để chúng ta học tập.
Quý độc giả thân mến!
Quỹ thời gian của con người là có hạn. Người ta có thể làm lại một cái nhà, một con đường,… nhưng không thể lấy lại được một tích tắc thời gian đã mất đi. Chính vì lẽ đó mà thời gian còn quý hơn vàng, bạc. Tiết kiệm thời gian là tiết kiệm thông minh và văn minh nhất.
Mỗi người đều có thể tiết kiệm được thời gian của mình. Tuy nhiên, để thực hiện điều đó chúng ta cần phải làm việc phải có kế hoạch cụ thể, chi tiết; làm việc ngăn nắp, gọn gàng; cán bộ cần chuẩn bị nội dung tốt trước khi tiến hành tổ chức hội họp, tiếp dân,... Đó chính là tiết kiệm thời gian của mình và của mọi người.
Đúng như vậy đấy thưa toàn thể thầy cô cùng các bạn. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cống hiến toàn bộ cuộc đời mình, không phút nghỉ ngơi, không một giây chùn bước cho sự nghiệp giải phóng dân tộc Việt Nam. Công lao và sự nghiệp của Người đã đi vào sử sách và sống mãi với muôn đời sau. Xin kính chúc sức khỏe các thầy cô giáo, chúc các bạn học sinh chăm ngoan học giỏi, xứng đáng là cháu ngoan Bác Hồ!
Xin giới thiệu một vài hình ảnh của buổi giới thiệu sách: